Thông điệp mâm cỗ ngày Tết của người Việt Nam

Mâm cỗ ngày Tết của người Việt rất quan trọng, là lễ vật dâng lên cúng thần linh, gia tiên để tỏ lòng thành kính và cầu cho năm mới vạn sự khởi đầu may mắn, bình an. Đằng sau mâm cỗ đấy sẽ thấy nét văn hoá đa dạng, muôn màu, ẩn chứa những thông điệp của con người Việt Nam.

Văn hoá ẩm thực của người miền Bắc, điển hình tiêu biểu nhất là mâm cỗ người Hà Nội. Hình thức luôn được xem trọng nên mâm cỗ thường được chuẩn bị kỳ công, bày biện đẹp mắt, mang nét đẹp của một “Tràng An” xưa. Khí hậu miền Bắc lạnh nên sẽ chia 2 nhóm chính là đồ ăn lạnh và đồ ăn nóng. Mâm cúng được trình bày bài bản gồm 4 bát, 4 đĩa hoặc 6 bát, 6 đĩa, 8 bát, 8 đĩa… 

Mâm cỗ ở miền Bắc thường trịnh trọng và không thể thiếu được gà luộc 

Bốn bát được xem là chính của mâm cỗ với những nguyên liệu từ thịt, rau củ quả như bát bóng thả, bát mọc nấu nấm hương, bát giò hâm măng… cũng có khi là sơn hào hải vị như bát hải sâm, chè sen bồ câu… Bốn đĩa gồm gà luộc lá chanh, đĩa thịt heo, đĩa giò lụa, đĩa chả quế có thể thêm đĩa rau củ xào, đĩa thịt đông, nem rán… Bánh chưng là món không thể thiếu và phổ biến nhất ăn kèm với cơm nếp, đĩa dưa hành, đôi khi lại thêm đĩa xôi gấc hay xôi vò.

Khi dọn mâm cơm, người miền Bắc thiên hướng sắp xếp các món nguội, món đĩa vào trước còn món nước sẽ được đưa vào sau. Con gà luộc trong mâm được mang ý nghĩa quan trọng, người xưa quan niệm con gà có khả năng gọi bình minh, gà ngậm hoa hồng đỏ có thể mang đến tài lộc an lành và mang lại vận đỏ cả năm cho gia chủ. Tất nhiên, không thể thiếu món tráng miệng đặc trưng nhất là mứt gừng, ô mai mơ gừng, mứt lạc… thể hiện sự thanh nhã, cuộc sống gia đình có vị ngọt, vị đậm đà.

Người miền Trung thường sẽ làm mâm cỗ Tết tươm tất mang nặng vị quê hương. Ví dụ như Huế, xứ Huế là vùng đất tiêu biểu khi giới thiệu mâm cỗ miền Trung, vào thời khắc chuyển giao mỗi mâm cỗ của người Huế thường được đặt ở ngoài trời gọi là lễ cúng Giao Thừa, theo quan niệm của dân gian Huế xưa, giao thừa là khoảng khắc bàn giao công việc của các vị Thần Hành Khiểng là thần phụ trách quản lí thời gian của mỗi gia đình vào thời khắc này người Huế thường sẽ làm mâm cúng cảm ơn thần Hành Khiểng sau một năm cai quản, phù hộ cho gia đình và đồng thời chào đón vị Thần mới đến tiếp nhận nhiệm vụ.

Mâm cúng phải có đủ ba bàn Thượng, Trung, Hạ. Bàn Thuợng gồm các món chay tịnh như hoa, quả, xôi, chè. Bàn Trung có các món mặn cùng với món chay như đầu heo hoặc gà và xôi chè. Bàn Hạ là bàn cúng một tập thể phụ tá của các Thần nên là phải có các món mặn và đầu heo, gà kèm theo các món ăn tuỳ theo gia chủ và bộ lễ vật áo binh, cháo, gạo, muối. Ở mâm cỗ miền Trung thì cũng không thể thiếu hay bỏ sót những món khai vị như nem, chả, tré và các loại bánh. Với các món căn bản như món kho, món nấu, món thấu và món trộn, đưa bao nhiêu chén bát cũng được sẽ không quy định chặt chẽ bao nhiêu bát như ở miền Bắc. 

Sau những mâm cỗ Tết hầu hết tất cả 3 miền đều không thể thiếu được bánh mứt ngày Tết

Có thể kể đến một số món kho như: thịt kho tàu, thịt kho chả, thịt bò kho quế, cá thu kho rim; món thấu như: các món bóp gỏi có vị chua gà với rau răm , bò bóp khế và chuối chát hay món trộn như măng trộn, mít trộn, vả trộn. Ở miền Trung, bánh chưng là món truyền thống phía Bắc, tiếp thu thêm bánh Tày của người Chămpa kết hợp thành đòn bánh tét, mang ý nghĩa trời – đất, âm – dương hay linga – zoni theo quan niệm của người ChămPa. Một điểm thú vị là ở các miếu điện thường sẽ không cúng bánh tét mà là bánh chưng để cầu cho mưa thuận gió hòa.

Vùng đất phương Nam được xem là nơi hội tụ nhiều nguồn văn hoá, tạo ra sắc thái văn hoá mới nên mâm cỗ của người miền Nam rất tinh tế, giản dị. Mâm cơm rước ông bà là thời khắc quan trọng nhất, con cháu cần phải chỉnh tề quần áo hàng ngũ để nghe người lớn khấn, sau đó lần lượt từng người một tạ ơn sinh thành của tổ tiên và cầu nguyện may mắn, sức khoẻ cho bản thân và gia đình. Một loại bánh không thể thiếu của người miền Nam là bánh Tét, bánh dễ ăn và để được lâu. “Canh khổ qua – mướp đắng” cũng không kém phần quan trọng. Theo quan niệm người Nam Bộ, khổ qua là mong muốn sự khổ cực qua đi, để đón tiếp năm mới với điều tốt đẹp. Mâm cúng miền Nam không cầu kỳ, đa dạng, chuẩn mực như ở miền Bắc và Trung, vì nơi đây đặc trưng với tính cách phóng khoáng, không ưa gò bò, không bị ảnh hưởng nhiều đến phong tục, nghĩ lễ… Không phải vì thế mà mâm cỗ của người miền Nam sẽ kém phần hấp dẫn, sự tinh tế được thể hiện ở từng món riêng như: thịt heo kho nước dừa với trứng hột vịt (trứng vịt), ăn kèm dưa giá và canh khổ qua, cùng với các món nguội như gỏi ngó sen với bánh phồng tôm, tai heo ngâm dấm, tôm khô củ kiệu, lạp xưởng khô, vịt lạp, heo quay… Bánh Tét đầy màu sắc từ màu xanh lá dứa, màu tím lá cẩm , màu đỏ gấc… cho đến với nhiều loại nhân như chay, trứng muối, nhân ngọt…

Mỗi vùng miền sẽ có những phong tục khác nhau, đa màu sắc nhưng hàm ý chính trong mâm cỗ là sự đoàn viên, các thành viên trong gia đình đều quây quần trong mâm cơm, ý nghĩa đầy tính nhân văn. Dù ở nơi đâu hay thời kỳ nào, vùng miền nào thì mâm cỗ Tết vẫn là cơ hội để những người đi xa hoài niệm về, những giá trị tinh thần mà bất cứ người dân Việt nào cũng nhớ về.

Phan Huy – Linh Đinh

Nguồn: https://doanhnghiepvadautu.net.vn/thong-diep-mam-co-ngay-tet-cua-nguoi-viet-nam

0 Comments

Leave a Reply

You must be logged in to post a comment.

Thứ Tư, Tháng Mười 11, 2023 Minh Châu
Hà Nội, ngày 11/10/2023 – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup – ông Phạm Nhật Vượng công bố tặng 99,8% Công ty Cổ phần Giải pháp Năng lượng VinES cho Công ty VinFast. Sau sáp nhập, VinFast sẽ tự chủ về công...
Thứ Ba, Tháng Mười 10, 2023 Minh Châu
Gây ấn tượng với tầm view hoàn hảo hướng ra miền xanh đại công viên 36ha cùng sông Đồng Nai rộng lớn, quỹ căn Glory Heights hứa hẹn trở thành nơi an cư lý tưởng của cộng đồng thượng lưu nơi tâm điể...